Những sự thật thú vị về Hà Lan
Ngày 10 tháng 12, 2019 - Lượt xem: 157Bạn có biết rằng tên gọi của Hà Lan là “Dutch” bắt nguồn từ tiếng Đức và Holland hay Netherland đều là để chỉ chung xứ sở hoa tu-lip. Cùng ACT tìm hiểu xem đất nước này còn những điều gì khiến bạn phải sửng sốt nhé!
Người Hà Lan sử dụng tiếng Anh thành thạo nhất Thế giới
Vượt lên Thụy Điển và Đan Mạch, Hà Lan vươn lên vị trí dẫn đầu trên BXH Chỉ số thông thạo Anh ngữ (EPI). 94% người dân Hà Lan có thể giao tiếp bằng hai ngôn ngữ, cao hơn nhiều so với mức trung bình trong Liên Minh Châu Âu EU (54%). Theo thông kê, cứ 10 người Hà Lan thì có 9 người sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2. Đồng thời, hơn một nửa dân số Hà Lan còn nói được tiếng Đức, Hà Lan cũng là một trong những quốc gia hàng đầu có tỷ lệ người dân học ngoại ngữ thông qua trường lớp cao, xấp xỉ 91% và ngoài ra họ còn học thông qua giao tiếp hàng ngày.
Quốc gia này có hơn 1.000 cối xay gió có từ thời xa xưa
Chiếc cối xay gió cổ nhất được xây dựng vào năm 1450, và trong quá khứ, thời điểm số lượng cối xay gió nhiều nhất được ghi nhận là 10.000 chiếc. Lịch sử Hà Lan gắn liền với biển cả và sông nước, nhằm phục vụ việc tưới tiêu và chống lại lũ lụt, bồi đất lấn biển (thủy chiến), những chiếc cối xay gió đầu tiên đã ra đời.
Ngày nay, nhiều cối xay gió vẫn còn ở Hà Lan, đặc biệt ở làng Zaanse Schans với những chiếc cối có tuổi đời lên tới 300 năm hay làng cối xay gió Kinderdijk - di sản thế giới được UNESCO công nhận năm 1997. Người Hà Lan mãi mãi tự hào rằng, cối xay gió đã tạo ra đất nước xinh đẹp của họ, cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Hà Lan sản xuất 6 triệu đôi guốc mộc mỗi năm
Guốc Hà Lan không có quai như guốc Việt Nam hay Nhật Bản mà trông hình dạng tương tự như đôi giày bịt mũi, hở gót; cũng có đôi phủ cả gót. Người thợ đã khoét khối gỗ sâu vào trong để chiếc guốc ôm trọn bàn chân. Mất khoảng hai ngày làm bằng tay để cho ra một đôi guốc gỗ, còn sử dụng máy móc hiện đại thì chỉ tốn chừng 15 phút. Sau khi khối gỗ được đẽo để hình thành đôi guốc, người ta lại chạm trổ trên đó những hoa văn rất đẹp.
Ngày xưa, người Hà Lan dùng guốc để đi lại trên những con đường sình lầy. Phụ nữ mang guốc khi vắt sữa bò bởi một thời, phần lớn họ làm công việc này bằng tay, không thể tránh khỏi chuyện con bò bực mình đạp bừa lên chân người đang vắt sữa nó. Chiếc guốc ôm phủ từ các ngón đến mu bàn chân cũng là để bảo vệ an toàn cho chân.
Là quốc gia có số lượng xe đạp nhiều hơn người
Với 17 triệu dân và 23 triệu chiếc xe đạp, Hà Lan là đất nước hiếm hoi có số lượng xe đạp nhiều hơn người. Hiện nước này muốn nhiều xe đạp hơn xuất hiện trên đường phố và sẽ trả tiền để người dân dùng xe đạp thường xuyên.
Những đứa trẻ tại Hà Lan quen thuộc với xe đạp trước cả khi chúng biết đi. Từ lúc mới sinh cho đến vài tuổi, chúng được cha mẹ chở bằng xe đạp trên những chỗ ngồi đặc biệt, nhiều khi có cả mái che, được làm thêm dành riêng cho trẻ em. Lớn hơn, chúng sẽ có xe đạp riêng mình khi ra đường cùng người thân. Tuổi teen ở Hà Lan cũng thường chọn xe đạp là phương tiện tự do nhất để đi học, đi chơi. Và cũng chẳng có gì lạ khi trên đường phố, nhiều ông bà lão 80, 90 tuổi vẫn đạp xe đi chợ hay gặp gỡ bạn bè vào mỗi cuối tuần.
Người Hà Lan ăn nhiều kẹo cam thảo nhất trên Thế giới
Với mức tiêu thụ hơn 4 pound / người / năm, cam thảo là loại kẹo được yêu thích nhất ở Hà Lan.
Bạn có thể mua kẹo cam thảo ở rất nhiều cửa hàng tại Amsterdam nhưng Het Oud-Hollandsch Snoepwinkeltje cho bạn cảm giác như được quay trở về Hà Lan của những năm xưa cũ vậy. Trong cửa hàng kẹo cổ điển này, cam thảo bạn chọn từ các hũ thủy tinh lớn đặt trên kệ sẽ được gói trong các túi giấy hình tam giác vô cùng xinh xắn và lạ mắt. Ngay cả khi bạn không phải là một fan hâm mộ của cam thảo, bạn nhất định phải thử món ăn vặt yêu thích của người dân địa phương này, đặc biệt là các loại có thêm hương vị và vị mặn. Ngoài ra cửa hàng còn cung cấp rất nhiều các loại kẹo dẻo, sôcôla và kẹo không đường để du khách lựa chọn thêm.